Vai trò và ứng dụng của nghiên cứu marketing

Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển thì nên đánh giá cao quy trình nghiên cứu marketing - đây là yếu tố cơ bản nhất. Thường xuyên nghiên cứu thị trường để xác định vấn đề của người tiêu dùng và xác định các đối thủ cạnh tranh thực tế. Hãy cùng tìm hiểu vai trò và ứng dụng của nghiên cứu marketing qua bài viết dưới đây.

1. Vai trò của nghiên cứu marketing

 Nghiên cứu marketing có vai trò quan trọng trước hết do tầm quan trọng của những thay đổi nhanh chóng trong hoạt động marketing, các vấn đề về cập nhật thông tin quan trọng cho các chiến lược, đồng thời là phần không thể thiếu để tổ chức hoạt động kinh doanh tốt hơn. 

- Giúp xác định rõ các vấn đề cần nghiên cứu, loại bỏ những điều chưa rõ, những điều còn mơ hồ để xác định vấn đề và cơ hội chính xác. 

- Tránh những rủi ro do không tiên liệu được những phản ứng khác nhau của khách hàng hay đối thủ, rủi ro vì không dự liệu các phương pháp dự phòng đối với những đổi thay có thể có. Từ đó hiểu biết về thị trường và khách hàng và đưa ra dự đoán đáng tin cậy về chúng.

 - Cung cấp những thông tin có liên quan để làm nền tảng cho các quyết định tiếp thị. Tuy nhiên nên nhớ chúng chỉ hỗ trợ cho sự phán đoán của nhà kinh doanh chứ không thể thay thế cho sự phán đoán đó.

 - Giúp nhà kinh doanh tìm ra phương thức hoạt động có hiệu quả hơn, có nghĩa là giảm chi phí, gặt hái được doanh số cao hơn, tác động quảng cáo, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn. 

- Hỗ trợ đắc lực các hoạt động khác của doanh nghiệp như sản xuất, kỹ thuật, tài chính để đạt được mục tiêu tiêu nâng cao sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. 

- Xây dựng chiến lược và hành động tiếp thị để cung cấp một lợi thế cạnh tranh, tinh chỉnh và đánh giá chúng. 

- Tạo điều kiện cho chi tiêu hiệu quả của các ngân sách. 

- Giám sát hiệu suất marketing và nâng cao hiểu biết về quy trình marketing. 

Với các vai trò quan trọng trên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng trong quản lý thông tin, vai trò của nghiên cứu marketing đã trải qua sự thay đổi đáng kể. Các tổ chức là các thực thể rất năng động tồn tại trong trạng thái thay đổi liên tục, thay đổi và cố gắng thích nghi với các yêu cầu của môi trường thay đổi nhanh chóng. Trong khi đó, hoạt động chính yếu của nghiên cứu marketing thông qua phương tiện thông tin. Do đó, phương pháp thu thập dữ liệu đã thay đổi, với việc sử dụng ngày càng nhiều các kỹ thuật, e-mail và Internet được hỗ trợ bởi máy tính như một phương tiện giao tiếp với khách hàng, nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Dẫn đến, nhiều bộ phận nghiên cứu đã bị bãi bỏ, các kỹ thuật độc đáo của các chuyên gia thị trường được đánh giá cao, hình thức đội, nhóm sẽ có vai trò chuyên gia trong phát triển ý kiến nghiên cứu (Proctor, 2003). 

2. Ứng dụng của nghiên cứu marketing trong hoạt động kinh doanh

 Nghiên cứu marketing được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực cụ thể sau: 

- Nghiên cứu thị trường. Việc nghiên cứu thị trường nhằm xác định các vấn đề: đặc điểm của thị trường, phân tích thị phần, dự báo tiềm năng thương mại của thị trường; sự phân bố thị trường theo lãnh thổ, tác động của các yếu tố đến chiều hướng biến động thị trường… 

- Nghiên cứu khách hàng. Theo quan điểm marketing, khách hàng tạo nên thị trường. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu khía cạnh địa lý của thị trường, thì nghiên cứu marketing còn tập trung vào việc tìm hiểu các dạng khách hàng cùng với quan điểm, thị hiếu, thái độ và phản ứng của họ, cũng như xem xét tiến trình quyết định mua hàng của họ diễn ra như thế nào… Nội dung quan trọng nhất khi nghiên cứu khách hàng chính là nghiên cứu động cơ, nó liên quan đến những sự phân tích sâu xa suy nghĩ và thái độ của người mua để khám phá ra những lý do tiềm ẩn thực sự đã thúc đẩy người mua mua những sản phẩm nhất định nào đó, và những nhãn hiệu đặc biệt nào đó.  

- Nghiên cứu sản phẩm. Nghiên cứu sản phẩm bao gồm nghiên cứu những cách sử dụng, tập quán và sự ưa chuộng của người tiêu thụ để giúp cho việc thiết kế, cải tiến sản phẩm. Nghiên cứu sản phẩm còn bao gồm việc tìm hiểu những khác biệt hoặc những lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, chiều hướng phát triển sản phẩm,… 

- Nghiên cứu phân phối. Nghiên cứu phân phối tập trung tìm hiểu và phân tích hệ thống phân phối hiện tại trên thị trường, cấu trúc kênh phân phối, các loại trung gian và các phương thức phân phối sản phẩm,… 

- Nghiên cứu chi phí và giá cả sản phẩm. Phân tích các yếu tố ành hưởng đến việc hình thành chi phí sản xuất và phân phối sản phẩm, kết cấu chi phí và giá thành sản phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá và điều chỉnh giá cả,… 

- Nghiên cứu quảng cáo và hoạt động bán hàng. Nghiên cứu quảng cáo nhằm phân tích mức độ đạt được mục tiêu đề ra của các chương trình quảng cáo, phân tích tác động của quảng cáo đến sự nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và thái độ của khách hàng, hiệu quả sử dụng các loại phương tiện quảng cáo đối với doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp,… Nghiên cứu bán hàng nhằm đánh giá hoạt động của lực lượng bán hàng, mà nội dung chủ yếu tập trung vào việc so sánh khối lượng bán thực tế với kế hoạch; phân tích việc bán hàng theo sản phẩm, theo lãnh thổ, theo phân đoạn thị trường, theo cửa hàng và theo nhân viên bán hàng; xác định thị phần của doanh nghiệp; phân tích lợi nhuận theo sản phẩm,…

 - Nghiên cứu cạnh tranh. Nghiên cứu cạnh tranh dựa trên cơ sở tìm hiểu mục tiêu, chiến lược, hoạt động của đối thủ cạnh tranh nhằm tạo ra 1 lợi thế cạnh tranh mạnh nhất có thể có trong những điều kiện cụ thể của các nguồn lực của doanh nghiệp, cũng như trong điều kiện của môi trường cạnh tranh luôn biến động. 

- Nghiên cứu và dự báo xu hướng thay đổi và phát triển. Hướng nghiên cứu này nhằm đánh giá toàn diện ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội đến khách hàng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thay đổi về thị hiếu khách hàng, về công nghệ sản xuất, sự xuất hiện của các vật liệu mới… đòi hỏi những cải tiến mới về sản phẩm, về cách thức chế tạo, lựa chọn phương án đầu tư hợp lý nhằm giữ  vững vị thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ kết quả của nghiên cứu dự báo, doanh nghiệp luôn luôn có khả năng chủ động xây dựng chiến lược marketing hợp lý và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thích ứng với những thay đổi trong tương lai của môi trường. Nghiên cứu dự báo vì vậy là nội dung quan trọng không thể thiếu được trong nghiên cứu marketing. 

Tham khảo các bài viết liên quan:

Bài viết liên quan

Back to top button
Close
Close